Miếu hiệu và thụy hiệu Phổ_Nghi

Từ trước đến nay, Phổ Nghi luôn được gọi là Thanh Phế Đế (清废帝) hay Tốn Đế (逊帝; chữ "Tốn" có nghĩa là nhường lại), hoặc [Mạt đại Hoàng đế], đó là bởi vì ông là quân chủ cuối cùng của Đại Thanh, qua đời lấy thân phận thường dân, chưa từng lấy lễ Thiên tử, nên không có miếu hiệu cùng thụy hiệu.

Bất quá một gia tộc Ái Tân Giác La ở Đài Loan, vào năm 1967 đã vọng xưng Phổ Nghi thụy hiệu là Phối Thiên Đồng Vận Pháp Cổ Thiệu Thống Túy Văn Kính Phu Khoan Duệ Chính Mục Thể Nhân Lập Hiếu Tương Hoàng đế (配天同运法古绍统粹文敬孚宽睿正穆体仁立孝襄皇帝), miếu hiệu là Hiến Tông (宪宗). Đến năm 2002, có một vị được gọi là "Tuyên Quốc công" (宣国公), lai lịch không rõ, kiến nghị dâng thụy hiệu, miếu hiệu và sửa tên lăng của Phổ Nghi. Theo Tuyên Quốc công, lăng nên sửa thành Hiến lăng (献陵), còn miếu hiệu của Phổ Nghi nên là Cung Tông (恭宗), còn thụy hiệu đa phần đều như của Đài Loan, nhưng sửa "Tương Hoàng đế" làm Mẫn Hoàng đế (愍皇帝). Cũng theo ý kiến tiện đà này, Uyển Dung cũng được kiến nghị truy tặng làm Hiếu Khác Mẫn Hoàng hậu (孝恪愍皇后), cùng một số vị khác nữa.

Dẫu vậy, những thụy hiệu và miếu hiệu này chỉ là do nội bộ Ái Tân Giác La ở Đài Loan vận động cùng lạm xưng, sau đó còn do dân gian thêm thắt, chưa bao giờ được công nhận là những miếu-thụy chính thức của Phổ Nghi và gia đình.